Trung tâm Kỹ năng sống Soul and Skills

TẠI SAO BÉ Ở NHÀ VÀ Ở TRƯỜNG LẠI KHÁC NHAU?

Không có gì lạ khi các bé cư xử khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, ba mẹ mong đợi bé sẽ cư xử thep cách này tại bữa tiệc sinh nhật của bạn và theo cách khác khi ở nhà ông bà. Tuy nhiên, một số bé – đặc biệt là những bé có các vấn đề như lo âu, rối loạn học tập, ADHD, và tự kỷ – có thể biểu hiện sự khác biệt rõ rệt hơn, đặc biệt là khi ở nhà so với lúc ở trường. Sự khác biệt này có thể khiến ba mẹ bối rối, thậm chí lo lắng rằng mình đã làm gì đó sai.

Hãy nhìn vào trường hợp của Sam, năm nay 15 tuổi, là một bé thông minh nhưng cũng được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, ADHD và gặp khó khăn trong việc học. Mẹ của bé, bà Maratea Cantarella, giám đốc điều hành của tổ chức Twice Exceptional Children’s Advocacy, kể lại rằng những thách thức ở trường đã dẫn đến những hành vi bùng nổ tại nhà.

Ở trường, giữa việc cố gắng làm hài lòng thầy cô và tương tác với các bạn, “bé đã phải rất nỗ lực để giữ bình tĩnh,” bà Cantarella nói. Khi về đến nhà, “tôi cảm thấy như bé đang tìm cách để xả hết những căng thẳng đã tích tụ.” Và bé thực sự đã xả, với những cơn giận kéo dài 30 phút về bài tập hoặc “bất kỳ điều gì.” Sau đó, khi bình tĩnh lại, bà thêm vào, “bé cảm thấy vô cùng hổ thẹn và tội lỗi.”

Nhưng đối với một số bé, trường học mới là nơi mà những thách thức của các bé thể hiện rõ nhất. Chloe, 8 tuổi, mắc chứng câm có chọn lọc và lo âu xã hội. Mẹ của bé, bà Kim Byman, nói rằng ở nhà, Chloe là một “bé vui nhộn, hay đùa giỡn, nói nhiều và tràn đầy năng lượng.” Nhưng khi đến trường, bé lại thu mình lại. Bé chưa bao giờ nói chuyện với thầy cô hoặc bạn bè, dù bé tham gia đầy đủ các hoạt động không yêu cầu nói. Bé thậm chí không yêu cầu đi vệ sinh mà chỉ chờ đến khi về nhà.

Vậy tại sao các bé lại thể hiện khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau?

Tại sao một số bé lại thể hiện tốt hơn ở trường?
Một số bé có thể làm tốt khi đáp ứng các kỳ vọng ở trường, nhưng điều này là một cuộc đấu tranh lớn đối với các bé và sẽ để lại hậu quả khi về nhà. Trẻ bị ADHD, lo âu, tự kỷ và các rối loạn học tập “có thể đang sử dụng rất nhiều nguồn lực của mình để tuân theo hướng dẫn hoặc đối phó trong lớp học,” Tiến sĩ Stephanie Lee, một nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết. Khi các bé về nhà, “thật khó để các bé có thể tập trung lại được cùng lượng nguồn lực đó để tiếp tục quản lý.”

Cô ấy cũng nói thêm, nhiều bé, bao gồm cả những bé thuộc phổ tự kỷ, hưởng lợi từ sự nhất quán, cấu trúc, khả năng dự và thói quen đi kèm với môi trường học đường mang lại. Điều này thường không thể được phản ánh ở nhà “vì đó không phải là cách cuộc sống diễn ra,” cô nói.

Ở trường, phần thưởng và hình phạt thường được áp dụng một cách nhất quán, điều này có thể khó thực hiện hơn khi ở nhà. Bên cạnh đó, trong môi trường học tập, bé có xu hướng bắt chước hành vi xã hội từ bạn bè, giúp bé tuân thủ các quy tắc một cách tự nhiên hơn. Cuối cùng, thầy cô không có nhiều thời gian để trì hoãn: nếu bé không làm theo hướng dẫn ngay từ lần nhắc đầu tiên hoặc thứ hai, hình phạt sẽ được áp dụng ngay lập tức. Trong khi đó, ba mẹ thường dành nhiều thời gian giải thích hoặc thảo luận, điều này có thể vô tình tạo điều kiện cho bé trì hoãn hoặc né tránh trách nhiệm.

Kìm nén triệu chứng ở trường
Tiến sĩ Jerry Bubrick, một nhà tâm lý học lâm sàng và giám đốc Dịch vụ Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế tại Viện Child Mind, nhận xét rằng các bé mắc các rối loạn như lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường lo lắng về cách người khác đánh giá mình, đặc biệt là khi bước vào tuổi trung học và cao hơn. Do đó, các bé thường cố gắng che giấu triệu chứng. “Chúng tôi thường thấy các bé thể hiện tốt hơn ở trường,” Tiến sĩ Bubrick chia sẻ, “với ít triệu chứng hơn vì các bé đang nỗ lực duy trì hình ảnh rằng mình ổn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là cảm giác xấu hổ và tội lỗi sâu sắc về các triệu chứng của mình.”

Một lý do quan trọng khác khiến các bé thể hiện tốt hơn ở trường là: các bé cảm thấy an toàn để trở thành “chính mình” khi ở nhà, với sự chắc chắn rằng ba mẹ sẽ vẫn yêu thương và ủng hộ.

“Tôi nghĩ đôi khi các bé về nhà và đó giống như khi chúng ta cởi giày ra và cảm thấy nhẹ nhõm,” Tiến sĩ Bubrick giải thích. “Như kiểu, ‘Được rồi, bây giờ con có thể là chính mình.'” Đối với những bé đã cố gắng rất nhiều để kìm nén triệu chứng ở trường, khi về nhà, nơi không có ai phán xét mình, “có thể sẽ có một sự bùng nổ triệu chứng.”

Một bà mẹ của bé gái 10 tuổi mắc chứng OCD nhớ lại rằng ở trường, con gái của bà thường tự đung đưa người hoặc vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy dán để chống lại những suy nghĩ ám ảnh, dù bé đang rất căng thẳng. “Vì vậy, bé giữ mọi thứ trong lòng ở trường, và sau đó khi về đến nhà, bé bùng nổ,” bà kể. “Bé vô cùng tức giận cả về thể chất lẫn lời nói.”

Điều này có thể khiến cha mẹ cảm thấy bối rối. “Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng, ‘Khi tôi đến trường, giáo viên nói Johnny rất ngoan trong lớp, và tôi không thấy con bé ngọ nguậy hay gặp bất kỳ vấn đề gì như ở nhà,'” Tiến sĩ Bubrick cho biết. “Nhưng khi bé về nhà, các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, và bé gặp khó khăn trong việc kiểm soát chúng.”

Tại sao một số bé lại cư xử tốt hơn ở nhà?
Với hầu hết các bé, những yêu cầu về học tập và xã hội ở trường cao hơn rất nhiều so với ở nhà, Tiến sĩ Lee cho biết. Điều này có thể kích hoạt những hành vi không mong muốn mà ba mẹ thường không thấy ở nhà.

Những bé gặp khó khăn như ADHD và lo âu thường có ngưỡng chịu đựng rất thấp khi đối mặt với sự thất vọng; việc yêu cầu các bé kiên nhẫn hoặc kiên trì ở trường có thể trở thành một áp lực lớn. “Điều này có thể vô cùng thử thách đối với các bé,” Tiến sĩ Lee nói, “và chúng ta có thể thấy các bé phản ứng mạnh mẽ trong những tình huống như vậy.”

Tương tự, những bé bị lo âu xã hội, lo lắng về cách người khác nhìn nhận mình, hoặc lo lắng về việc phải thể hiện bản thân, có thể không có bất kỳ hành vi tiêu cực nào khi ở nhà. Nhưng khi đến trường, phải làm bài toán hoặc đọc to trước lớp, bé có thể thể hiện những hành vi tiêu cực để tránh né điều đó. “Phản ứng như vậy trong tình huống này có thể giúp bé thoát khỏi tình huống không mong muốn,” Tiến sĩ Lee giải thích, “vì nếu bé làm trò, giáo viên có thể nhắc nhở, nhưng sau đó sẽ chuyển sang hoạt động khác.”

Đối với các bé tự kỷ, ở nhà bé có thể được tự do làm những điều bé yêu thích như xem màn hình hay chơi Lego. Khi đến trường, việc không được phép làm những điều đó, hoặc phải chờ đợi các hoạt động mà ở nhà bé có thể tiếp cận dễ dàng, có thể là một thách thức lớn và dẫn đến hành vi phá rối.

Làm thế nào để hỗ trợ bé?
Một trong những đề xuất quan trọng của Tiến sĩ Lee là khuyến khích sự hợp tác và giao tiếp cởi mở giữa nhà và trường càng nhiều càng tốt. “Nếu có những chiến lược hay kỹ thuật nào đang giúp bé ở nhà hoặc ở trường, liệu chúng ta có thể chia sẻ và điều chỉnh để hỗ trợ bé trong cả hai môi trường không?” cô ấy nói.

Ví dụ, cô ấy gợi ý rằng nếu bé cảm thấy được hỗ trợ nhờ có lịch trình hình ảnh ở trường, thì ba mẹ có thể tạo một lịch trình tương tự ở nhà. “Tương tự,” cô nói thêm, “nếu chúng ta biết bé rất thích câu nói kiểu ‘khi con làm việc này, thì việc này sẽ xảy ra’ ở nhà, hãy chia sẻ điều đó với giáo viên.”

Tiến sĩ Lee khuyến khích ba mẹ xây dựng mối quan hệ hợp tác với trường bằng cách “đảm bảo rằng ba mẹ khen ngợi và đánh giá cao công việc mà giáo viên đang làm, bên cạnh việc cung cấp thông tin về bé.”

Đối với những bé có hành vi không mong muốn khi về nhà, Tiến sĩ Lee khuyên rằng hãy cho bé thời gian để giải tỏa sau khi chuyển từ trường về nhà: “Hoàn toàn ổn khi giảm bớt yêu cầu trong khoảng thời gian này nếu bé cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều quan trọng là bé vẫn cần hiểu rằng những quy tắc trong gia đình vẫn phải được tuân thủ.”

Tiến sĩ Bubrick đồng tình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chú ý đến tình trạng sức khỏe và tinh thần của bé. Nếu bé về nhà trong trạng thái đói bụng, sau khi đã cố gắng giữ bình tĩnh suốt cả ngày, sẽ rất dễ xảy ra những cơn bùng nổ. Ông khuyên ba mẹ nên cho bé ăn nhẹ và nghỉ ngơi, giúp bé hồi phục để có một buổi tối vui vẻ hơn.

Các liệu pháp có thể giúp bé
Công cụ được các chuyên gia khuyến nghị nhiều nhất để giúp bé quản lý hành vi, dù ở trường hay ở nhà, là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). CBT đã được điều chỉnh cho nhiều loại thách thức cảm xúc và hành vi khác nhau; điểm chung của các liệu pháp này là bé học cách tự điều chỉnh, biết cách xử lý cảm xúc mạnh mẽ một cách tốt hơn thay vì phản ứng bốc đồng.

Khi bé sử dụng kỹ năng CBT ở trường, bé sẽ có thể hoạt động tốt hơn mà không phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng, Tiến sĩ Bubrick giải thích. Điều này giúp giảm bớt căng thẳng và hạn chế khả năng bùng nổ triệu chứng khi bé về nhà. “Càng luyện tập những kỹ năng này, bé càng thành thạo hơn,” ông nói.

Tiến sĩ Bubrick cũng lưu ý rằng khi thực hiện CBT, ba mẹ sẽ được tham gia ngay từ đầu để hiểu rõ tình trạng của bé và nhận biết những điều ba mẹ làm, dù có ý tốt, nhưng lại góp phần gây ra vấn đề. “Chúng tôi dạy ba mẹ những việc nên và không nên làm khi nuôi dạy một bé mắc rối loạn lo âu,” ông chia sẻ. Ông đưa ra ví dụ về một bé mắc OCD sợ vi trùng. Ba mẹ sẽ không giúp ích gì nếu cứ mở cửa giúp bé. Thay vào đó, bé phải học cách đối mặt với lo âu và kiểm soát sự cưỡng chế của mình.

Tiến sĩ Lee cho biết việc đào tạo kỹ năng làm cha mẹ, bao gồm các thành phần của CBT, thường là điều cần thiết để giúp ba mẹ xác định những gì đang diễn ra trong cả hai môi trường và tìm ra cách hỗ trợ bé tốt nhất.

Mời Ba Mẹ hãy đồng hành cùng bé trong Khóa học Online – Kỹ năng cho thế hệ tương lai của Soul and Skills để giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt hơn, tự mình giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả nhất nhé!.

Thông tin liên hệ

Soul and Skills – Trung tâm Kỹ năng sống cho bé

Điện thoại: (037) 3136 776

Văn phòng đại diện: 438 Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10

Email: info@soulandskills.vn

Bài viết liên quan